ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ Ở HUYỆN EA KAR, TỈNH ĐĂK LĂK

Lượt xem:

Đọc bài viết

ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ Ở  HUYỆN EA KAR, TỈNH ĐĂK LĂK

 Nguyễn Thanh Dương

Phòng GD & ĐT huyện Ea Kar tỉnh Đăk Lăk

 ( Bài viết đăng trên tạp chí Giáo chức số 115, tháng 11/2016 )

 SUMMARY: Teaching innovation activities oriented student capacity development is an important task, necessary current junior high schools in Dak Lak Ea Kar. From the theoretical basis and practical, innovative mission awareness, team building, developing teaching programs content, assessment, strengthening resources and conditions to ensure … to sticking capacity development objectives and in accordance with the student’s actual conditions Ea Kar.

   1. Đặt vấn đề

      Giáo dục (GD) hiện đại đang chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực; người học không chỉ biết cái gì mà quan trọng hơn là làm được cái gì trên cơ sở hiểu biết ấy. Đổi mới hoạt động dạy học (HĐDH) theo định hướng phát triển năng lực học sinh (HS) được coi là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng của các trường học, là tiêu chí để đánh giá chất lượng, hiệu quả GD toàn diện. Vì vậy, quản lý HĐDH ở trường trung học cơ sở (THCS) sẽ quyết định việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ cung cấp tri thức, rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng nhân cách, phát triển năng lực toàn diện của HS. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động dạy của giáo viên (GV), quản lý hoạt động học của học sinh, quản lý các điều kiện đảm bảo cho HĐDH vẫn còn có nhiều bất cập, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới GD, mục tiêu phát triển năng lực HS. Đó cũng chính là vấn đề mà các trường THCS ở huyện Ea Kar, tỉnh ĐăkLăk đang giải quyết, nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những bất cập trong hoạt động GD, góp phần thực hiện mục tiêu “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” tại một huyện cao nguyên của tỉnh Đăk Lăk

 2. Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn

– Quản lý HĐDH ở trường THCS là sự tác động có mục đích, có tổ chức của chủ thể quản lý đến hoạt động dạy của giáo viên (GV) và hoạt động học của HS, nhằm bảo đảm sự phối hợp thống nhất, đúng chương trình, kế hoạch, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định. Trong hoạt động đó, có mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố: chủ thể, đối tượng, mục đích, nội dung và phương pháp quản lý HĐDH. Dù được tiếp cận theo chức năng, quá trình, chất lượng…, quản lý HĐDH ở trường THCS theo định hướng phát triển năng lực HS phải được quán triệt trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức và chỉ đạo thực hiện, nâng cao năng lực đội ngũ GV, tăng cường các điều kiện đảm bảo, tổ chức kiểm tra đánh giá,…

  – Phát triển phẩm chất, năng lực nhằm giúp người học có khả năng vận dụng, xử lý được những vấn đề trong cuộc sống và xã hội. Phẩm chất là những yếu tố đạo đức, hành vi ứng xử; niềm tin, tình cảm, giá trị sống, ý thức pháp luật; năng lực là sự tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,…. Các phẩm chất của HS phổ thông bao gồm: sống yêu thương, sống tự chủ và sống trách nhiệm; các năng lực gồm: tự học; giải quyết vấn đề và sáng tạo; thẩm mỹ; thể chất; giao tiếp; hợp tác; tính toán; công nghệ thông tin và truyền thông. Sự kết hợp thống nhất giữa phẩm chất và năng lực tạo nên nhân cách con người.

  – Huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) với 16 đơn vị hành chính (2 thị trấn và 14 xã) có diện tích tự nhiên là 1.037 km2,  dân số 143.500 người gồm 19 dân tộc. Quy mô, chất lượng GD của huyện đã có những bước phát triển đáng kể với 81 trường học trong đó có 18 trường THCS. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng việc quản lý HĐDH ở các trường THCS huyện Ea Kar vẫn còn nhiều bất cập trên nhiều phương diện, từ nhận thức, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá, huy động các nguồn lực. Thực trạng đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ việc quản lý HĐDH. Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới quản lý HĐDH ở các trường THCS  theo định hướng phát triển năng lực HS, chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình GD phổ thông sau năm 2018, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn huyện Ea Ka.

3. Đổi mới quản lý hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực HS ở các trường THCS huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk

3.1. Nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải đổi mới quản lý HĐDH theo hướng phát triển năng lực HS

    Đây là biện pháp có tính chất tiên quyết, nhằm làm cho đội ngũ CBQL, GV có lòng yêu nghề, lương tâm nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao, làm việc có kỷ luật, có nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn về tầm quan trọng của quản lý HĐDH cũng như mục tiêu đổi mới, phát triển năng lực HS, nâng cao chất lượng GD toàn diện. Điều này lại càng cần thiết đối với các trường THCS huyện Ea Kar, khi nhận thức, kỹ năng, năng lực cuộc sống của HS có những hạn chế so với các địa phương phát triển kinh tế – xã hội.

Đội ngũ cán bộ, GV phải nắm vững các qui định hiện hành, có năng lực quản lý và trình độ chuyên môn tốt, có biện pháp cụ thể trong tổ chức HĐDH; có uy tín, bản lĩnh và năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, biết khuyến khích, động viên, xác định trách nhiệm cho mọi thành viên góp phần nâng cao chất lượng HĐDH theo định hướng phát triển năng lực người học.

   Các trường THCS phải khuyến khích, động viên HS, đặc biệt là HS dân tộc, các phụ huynh và toàn xã hội nhận thức được vai trò của GD để xóa đói, giảm nghèo, có năng lực toàn diện để nâng cao chất lượng cuộc sống. Có các biện pháp phù hợp, khả thi để giúp đỡ HS vượt qua khó khăn, phấn đấu học tốt, không bỏ học, làm cho các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Nhận thức nói trên cũng phải được quán triệt trong các cấp quản lý, chính quyền, tổ chức đoàn thể,… để việc nâng cao chất lượng HĐDH theo định hướng phát triển năng lực người học là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

3.2. Bồi dưỡng năng lực, trình độ chuyên môn đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu đổi mới HĐDH ở trường THCS

  – Quản lý HĐDH là sự thống nhất giữa quản lý hoạt động dạy của GV và quản lý hoạt động học của HS trong mối quan hệ biện chứng với các yếu tố đảm bảo khác. Hoạt động dạy của GV được thực hiện tốt sẽ tạo ra những tác động tích cực đối với hoạt động học tập của HS, đặc biệt đối với HS miền núi, dân tộc điều kiện kinh tế khó khăn, năng lực học tập, lĩnh hội  kiến thức còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cần tạo điều kiện và động lực cho CBQL, GV làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sự hiểu biết về phát triển năng lực người học. Thực hiện tốt kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho GV; các điều kiện để nâng cao chất lượng HĐDH như chế độ lương, phụ cấp ưu đãi, các chính sách ưu tiên đối với GD miền núi, dân tộc.

  – Khắc phục khó khăn để giúp GV thực hiện tốt chương trình dạy học, soạn giáo án, triển khai giờ dạy, thực hiện công tác kiểm tra đánh giá HS,… Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chuyên môn; linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện nội dung, phương pháp và hình thức dạy học, cụ thể hóa các môn học tự chọn, nội dung tự chọn, hoạt động ngoài giờ lên lớp, dạy tiếng Việt và dạy tiếng Hmông cho HS dân tộc,…. phù hợp địa bàn huyện Ea Kar. Chỉ đạo GV, phối hợp với gia đình, các tổ chức đoàn thể, chính quyền,… để thực hiện xã hội hóa GD, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát triển năng lực HS, rèn luyện các em trở thành con ngoan trò giỏi, tiếp cận với cuộc sống hiện đại, trở thành những công dân toàn cầu.

3.3. Xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo thực hiện, phát triển chương trình, nội dung và phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS

  – Đổi mới công tác xây dựng kế hoạch, thực hiện thống nhất đồng bộ việc quản lý HĐDH theo định hướng đổi mới GD, phát triển năng lực HS. Xây dựng HĐDH phải căn cứ nhiệm vụ năm học cuẩ ngành GD và điều kiện thực tế của trường THCS, của địa bàn huyện Ea Kar; mục tiêu kế hoạch rõ ràng, giải pháp thực hiện phải linh hoạt, sáng tạo, khả thi.  Kế hoạch phải là cơ sở để tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung theo tinh thần đổi mới, mục tiêu phát triển năng lực người học. Thực hiện nghiêm túc sự phân cấp quản lý, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tập thể và cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch HĐDH của các trường THCS ở huyện Ea Kar.

 Xây dựng và hoàn thiện quy chế, kế hoạch quản lý HĐDH theo hướng phát triển năng lực của HS trường THCS. Nâng cao chất lượng việc xây dựng quy chế, nội quy quản lý HĐDH của nhà trường phù hợp quan điểm đổi mới; cập nhật, bổ sung, ban hành các văn bản quản lý mới, hình thành phương thức quản lý phù hợp với đặc điểm HĐDH ở địa bàn huyện Ea Kar có các trường phổ thông nhiều cấp học; chuẩn bị triển khai chương trình mới và tái cấu trúc hệ thống GD phổ thông.

– Tổ chức, chỉ đạo HĐDH phù hợp với đặc điểm đội ngũ GV và yêu cầu thực tiễn của nhà trường THCS huyện Ea Kar. Trong điều kiện đổi mới cơ cấu trường THCS, cần phải bố trí, sử dụng, phát triển đội ngũ GV môn HH đủ về số lượng, đạt chuẩn trình độ, hợp lý cơ cấu nhằm phát huy tối đa năng lực, ưu thế của từng người, trong đó có nhiều GV dạy hai môn, dạy học tích hợp, đảm bảo trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, ý thức trách nhiệm nhà giáo, thực hiện đúng chuẩn nghề nghiệp của GV bậc THCS.

– Trên cơ sở chương trình khung, cần chuẩn hóa, hiện đại hóa nội dung dạy học ở trường THCS theo địa bàn (thị trấn, xã và vùng khó khăn), đối tượng HS (giỏi, trung bình, HS dân tộc,…). Căn cứ mục tiêu dạy học, đối tượng HS, năng lực của GV, điều kiện của nhà trường để xây dựng nội dung dạy học phù hợp, đa dạng, thực hiện phân hóa và tích hợp, phối hợp giữa lý thuyết và thực hành, hoạt động trải nghiệm, giữa các môn khoa học xã hội và các môn khoa học tự nhiên.

– Đa dạng, linh hoạt việc sử dụng hình thức, phương pháp dạy học phù hợp với sự phát triển của khoa học, điều kiện của trường THCS huyện Ea Kar. Cập nhật, tìm kiếm các phương pháp dạy học mới, kết hợp các phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học hiện đại. Lựa chọn những hình thức dạy học phù hợp nhất cho từng nội dung của môn học, phân hóa và tích hợp, giữa cung cấp tri thức, rèn luyện kỹ năng, giáo dục nhân cách, liên hệ thực tế để HS có những kỹ năng trong cuộc sống hiện nay.

3.4. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả HĐDH ở trường THCS huyện Ea Kar theo định hướng phát triển năng lực HS

– Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện tiêu chí kiểm tra, đánh giá kết quả HĐDH phù hợp với mục tiêu đổi mới GD, phát triển năng lực HS. Việc xây dựng bộ tiêu chí và thực hiện kiểm tra, đánh giá HĐDH ở trường THCS bám sát mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Cụ thể hóa tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động dạy của GV và hoạt động học của HS cần bám sát chuẩn nghề nghiệp của GV cũng như phẩm chất, năng lực của HS (biết, hiểu, vận dụng, đánh giá) trong xu thế phát triển, tiến bộ.

  – Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn; trình độ, kỹ năng sư phạm của GV; kiểm tra nề nếp hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn, việc dự giờ, thăm lớp, đúc rút sáng kiến, kinh nghiệm; kiểm tra hồ sơ giảng dạy; kiểm tra chéo giữa các tổ chuyên môn,…. một cách nghiêm túc, thẳng thắn, công khai, dân chủ. Phát huy vai trò chỉ đạo của các cấp ủy, sự quản lý của ngành, của chính quyền, vai trò phối hợp của các tổ chức xã hội trong việc nâng cao chất lượng HĐDH theo định hướng phát triển năng lực người học.

  – Đa dạng hóa các hình thức kiểm tra; chú trọng chức năng phát hiện để phòng ngừa, điều chỉnh, tư vấn, giữ vững kỷ cương nề nếp; tránh việc tập trung truy tìm sai sót, định kiến; có chế độ khuyến khích, động viên đối với các trường THCS ở các xã vùng sâu, khó khăn của huyện Ea Kar; không thực hiện máy móc, áp dụng khuôn mẫu các văn bản về công tác kiểm tra, đánh giá như các trường vùng phát triển, thành phố.

3.5. Tăng cường quản lý các điều kiện đảm bảo và thực hiện xã hội hóa HĐDH theo định hướng đổi mới GD, phát triển năng lực người học

   Nâng cao hiệu quả của các chương trình, dự án đầu tư, mua sắm thiết bị dạy học cho địa bàn dân tộc miền núi, đảm bảo điều kiện HĐDH theo định hướng phát triển năng lực người học. Tiếp tục hiện đại hóa, đồng hộ hóa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Khai thác mọi nguồn lực để đầu tư trang bị các thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ đổi mới HĐDH, tiếp cận với mô hình GD hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện kỹ thuật vào dạy và học, làm cho HS tiếp cận được với khoa học kỹ thuật hiện đại. Xây dựng nội quy sử dụng, bảo quản, gắn trách nhiệm đối với mỗi tập thể, cá nhân trong việc xây dựng, bảo quản, phát huy hiệu quả của cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường. Xây dựng môi trường sư phạm, nhà trường xanh sạch đẹp, “trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở tất cả các địa bàn của huyện Ea Kar.

  4. Kết luận

   Quản lý HĐDH theo định hướng phát triển năng lực HS có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy học nói riêng và hoạt động GD nói chung, hình thành con người phát triển toàn diện, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của huyện Ea Kar. Để hoạt động dạy học ở trường THCS thực sự có hiệu quả, cần phải xuất phát từ những cơ sở lý luận về quản lý nhà trường, về thực trạng cũng như các yếu tố đảm bảo khác của trường THCS. Có như vậy, công tác quản lý HĐDH mới có hiệu quả, khả thi, có tác dụng thúc đẩy GD huyện Ea Kar, góp phần thực hiện chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc, miền núi. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo những quy luật chung của khoa học GD vào điều kiện cụ thể của các trường THCS huyện Ea Kar sẽ làm cho nhiệm quản lý HĐDH theo định hướng phát triển năng lực người học đạt được mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

 

   Tài liệu tham khảo

[1]. Bộ giáo dục và Đào tạo, Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

[2]. Học viện Quản lý Giáo dục (2015), Phát triển năng lực người học trong bối cảnh hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế (tạp chí Quản lý Giáo dục, số tháng 4/2015)

[3].  Đỗ Ngọc Thống (2011), Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực, Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 68 (5/2011).

[4].  Phạm Đỗ Nhật Tiến (2015), Đổi mới quản trị nhà trường trước yêu cầu trước yêu cầu chuyển đổi giáo dục  theo định hướng phát triển năng lực người học, Tạp chí Quản lý Giáo dục, số tháng 4/2015

TÓM TẮT: Đổi mới hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết hiện nay của các trường trung học cơ sở ở huyện Ea Kar tỉnh Đăk Lăk. Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn, nhiệm vụ đổi mới về nhận thức, xây dựng đội ngũ, phát triển chương trình nội dung dạy học, kiểm tra đánh giá, tăng cường nguồn lực và các điều kiện đảm bảo,… phải bám sát mục tiêu phát triển năng lực học sinh và phù hợp với điều kiện thực tế của huyện Ea Kar.

TỪ KHÓA: hoạt động dạy học, năng lực, học sinh, quản lý, trung học cơ sở

KEYWORDS: teaching activities, capabilities, students, managers, junior high

—————————–